Lượt xem: 1218

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, là bậc cách mạng tiền bối, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất. Đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong thời kỳ vận động thành lập Đảng; tham gia tích cực với phong trào Quốc tế Cộng sản; với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

    Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30-9-1910, tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình công chức nhỏ, lên 9 tuổi, chị đi học chữ quốc ngữ tại Trường Nữ sinh thành phố Vinh. Học hết lớp Nhì, chị học lớp Nhất ở Trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Tại đây, chị được thầy giáo Trần Phú và một số thầy giáo khác dạy dỗ, dìu dắt, giác ngộ cách mạng và sớm tham gia vào các hoạt động yêu nước. Với nhiệt tình của tuổi trẻ và được giác ngộ, chị tích cực tham gia các phong trào yêu nước. Chị vận động nữ sinh góp tiền mua hoa, mua vải may băng tang đi dự lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh và ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp thả Phan Bội Châu. Tốt nghiệp tiểu học, chị Minh Khai ở nhà phụ mẹ bán hàng, ghi chép sổ sách, vừa chăm lo việc nhà, vừa tham gia các hoạt động cách mạng.

    Mùa Hè năm 1927, Nguyễn Thị Minh Khai là người đầu tiên trong giới phụ nữ ở thành phố Vinh - Bến Thuỷ được kết nạp và Hội Hưng Nam (sau đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng), một tổ chức tiền thân của Đảng ta. Tiếp đó, được bầu vào Ban Chấp hành đại tổ (tức cấp thành bộ), phụ trách công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia cách mạng; huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thuỷ và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng.

    Năm 1929, Nguyễn Thị Minh Khai thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng bí mật. Đồng chí tích cực, tận tụy, đi sâu đi sát với quần chúng, hoà mình trong phong trào công nhân, được công nhân yêu mến, tin cậy, nên đã giáo dục, tuyên truyền, vận động được nhiều quần chúng tham gia phong trào yêu nước. Từ đó, các cơ sở đảng được gầy dựng, phong trào đấu tranh ngày càng sôi nổi và phát triển mạnh mẽ… dần dần sau này trở thành cán bộ cốt cán của cách mạng.

    Ngày 03-02-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Sự kiện lịch sử này có những đóng góp không nhỏ của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Đồng chí đã tận tụy, nhiệt tình, có nhiều công lao trong việc vận động cách mạng tiến tới thành lập Đảng. Tháng 3-1930, Đồng chí được cử sang Hương Cảng (Trung Quốc) làm việc tại Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông - Quốc tế Cộng sản, làm nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở trong nước.

    Từ năm 1931 - 1933, đồng chí bị mật thám Anh bắt giam, mặc dù bị tra tấn, đánh đập hết sức dã man, nhưng Đồng chí vẫn không một lời khai báo để bảo vệ phong trào cách mạng và tổ chức cơ sở Đảng. Ra tù, đồng chí bắt liên lạc với tổ chức Đảng, đến Thượng Hải và hoạt động trong Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài.

    Từ ngày 25-7 đến 21-8-1935, đồng chí cùng chồng, là đồng chí Lê Hồng Phong được cử tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và đã đọc tham luận tại Đại hội. Tại diễn đàn Quốc tế Cộng sản, lần đầu tiên một phụ nữ phương Đông, một phụ nữ Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã đọc tham luận, cất tiếng nói dõng dạc tố cáo tội ác tàn bạo, dã man của bọn thực dân Pháp cướp nước, vạch trần chính sách xâm lược của chúng. Không những thế, đồng chí còn khẳng định một cách hùng hồn, vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Đông Dương trong giai đoạn lịch sử mới: “Đặc biệt là trong thời kỳ cao trào cách mạng Đông Dương, phụ nữ đã tham gia đáng kể vào phong trào đấu tranh cách mạng. Họ tham gia các cuộc biểu tình và đã lãnh đạo một số cuộc ấy, đã diễn thuyết trong các cuộc mít tinh, nhiều lần phụ nữ dũng cảm đi hàng đầu trong các cuộc biểu tình và bọn lính phải thoái lui…”. Sau Đại hội, đồng chí ở lại học tại Trường Đại học Phương Đông.

    Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng ở Đông Dương. Trung ương Đảng chủ trương rút vào hoạt động bí mật và tập trung lực lượng chống chiến tranh đế quốc, giành độc lập dân tộc. Năm 1937, Xứ uỷ Nam Kỳ chỉ định đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, trong điều kiện hết sức khó khăn, nhưng Đồng chí đã thường xuyên quan tâm đến việc phát triển phong trào đấu tranh của chị em phụ nữ, đến vị trí, vai trò của người phụ nữ, bám sát cơ sở hoạt động và lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh lớn. Ngoài ra, đồng chí còn viết sách, báo giới thiệu với phụ nữ Sài Gòn - Chợ Lớn cuộc đấu tranh của phụ nữ trên thế giới; kêu gọi chị em phụ nữ hãy tích cực đoàn kết với nam giới để lập ra các hội tương tế ái hữu; viết về đấu tranh bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng về giải phóng phụ nữ;…


Hai nhà lãnh đạo Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh tư liệu

    Thời gian ngày, đồng chí Lê Hồng Phong, người chồng, người đồng chí của đồng chí Minh Khai cũng đã về Sài Gòn hoạt động và đến ngày 29-9-1939 thì đồng chí Lê Hồng Phong bị giặc Pháp bắt giam.

    Mùa Xuân năm 1941, chỉ vài ngày sau khi sinh đứa con đầu lòng và duy nhất, Đồng chí đã phải xa con, tiếp tục công tác cách mạng. Lúc này, Nhật nhảy vào Đông Dương, một phong trào đấu tranh dâng lên sôi sục ở Sài Gòn - Gia Định và các vùng nông thôn Nam Bộ, Xứ uỷ Nam Kỳ họp nhận định tình hình và đề ra chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền. Sau hội nghị, các cơ sở Đảng ở Ngã sáu Bình Đông bị lộ. Ngày 30-7-1940, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bị sa vào tay giặc, giam tại bót Catina. Chúng đưa đồng chí Lê Hồng Phong về nhận mặt chị để hòng có chứng cứ kết án xử tử hình cả hai người về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Nhưng chúng đã thất bại vì hai chiến sĩ dũng cảm của nhân dân ta không nhận một điều gì kể cả mối quan hệ vợ chồng với nhau. Tra khảo không được, chúng đưa Đồng chí vào giam ở Khám Lớn Sài Gòn.

    Thời gian bị giam cầm, dụ dỗ, tra tấn dã man bằng mọi cực hình, nhưng Nguyễn Thị Minh Khai vẫn cương quyết không khai, vẫn giữ được ý chí cách mạng kiên cường, sắt thép của người chiến sĩ cộng sản tận trung với Đảng, với dân. Biết không khuất phục được người cộng sản, ngày 28-8-1941, địch đã đưa Nguyễn Thị Minh Khai và nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng đi xử bắn tại Ngã Ba Giồng, xã Tân Thới Nhất, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Tại đây, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hô to, tố cáo tội ác của kẻ thù và kêu gọi bạn tù nổi dậy đấu tranh. Bọn hung bạo đâm lưỡi lê vào ngực Đồng chí. Các đồng chí chung quanh thét lên phản đối, tiếng hô căm phẫn trút lên đầu quân thù.

    Trước họng súng của địch, Đồng chí đã giật tung vải bịt mắt, ngẩng cao đầu đã dõng dạc hô to:

              “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!

              Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!”

    Đánh giá về lớp cán bộ tài năng, trung kiên bất khuất thời dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắn chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa kết quả tốt đẹp như ngày nay. Tất cả chúng ta phải noi theo các gương anh dũng, gương chí công vô tư ấy, mới xứng đáng là người cách mạng”.

    Đồng chí Lê Duẩn - cố Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi nhắc tới cuộc đời hoạt động của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã viết: “Tôi đã gặp và làm việc với nhiều cán bộ nữ, nhưng chưa thấy ai có ý thức vươn lên gánh vác vai trò lãnh đạo cách mạng như đồng chí Minh Khai”.

    Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là dịp để tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công lao, những cống hiến của Đồng chí đối với phong trào cách mạng Việt Nam, qua đó để tôn vinh, tri ân đối với nữ chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, luôn phấn đấu không biết mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, sự nghiệp giải phóng phụ nữ, một lòng phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân./.

Quốc Hùng



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 122
  • Hôm nay: 9714
  • Trong tuần: 78,019
  • Tất cả: 11,850,811